Cho đến bây giờ lời bài hát vẫn là tiếng kêu về nỗi ám ảnh đau thương của dân tộc trước nỗi khổ của đất nước. Hình ảnh chiếc ghế đá bị cảnh sát kéo từ công viên ra đường để chặn đoàn người biểu tình nằm chỏng chơ giữa đường là nơi nghỉ chân cho người già và em bé bị bỏ lại trong cuộc biểu tình.
Ghế đá công viên, dời ra đường phố
Người già co ro, chiều thiu thiu ngủ
Người già co ro, buồn nghe tiếng nổ
Em bé loã lồ, khóc tuổi thơ đi
Ghế đá công viên, dời ra đường phố
Người già co ro, buồn trong mắt đỏ
Người già co ro, nhìn qua phố chợ
Khi chiến tranh về, đốt lửa quê hương
Khi người lớn và sinh viên tham gia đấu tranh chống lại nhà cầm quyền thì bố mẹ hoặc con cái của họ ở nhà. Đang trong thời kỳ thống khổ nên thiếu cả cái ăn và mặc. Tiếng súng nổ và đạn bom đêm đêm không dứt đốt cháy tương lai. Họ phải kiếm từng hạt cơm khô xoa dịu nổi đói.
Người già co ro, em bé loã lồ
Từng hạt cơm khô, trong miếng hững hờ
Ruộng đồi quê hương, dấu vết bom qua
Từng bàn tay thô, lấp kín môi cười
Từng cuộn dây gai, xé nát da người
Đạn về đêm đêm, đốt cháy tương lai
Cũng có thể đây là những người già và trẻ em sống lang thang không nơi nương tựa do hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc. Ghế đá chính là nhà của họ mỗi khi đêm về hoặc khi cần nghỉ chân. Những tiếng thở dài của họ là lời tố cáo cho một thời kỳ đen tối của quốc gia và dân tộc.
Ghế đá công viên, dời ra đường phố
Từng hàng cây nghiêng, chìm trong tiếng nổ
Từng bàn chân quen, chạy ra phố chợ
Em bé loã lồ, giấc ngủ không yên
Ghế đá công viên dời ra đường phố
Người già ho hen, ngồi im tiếng thở
Từng vùng đêm đen, hoả châu thắp đỏ
Em bé loã lồ, suốt đời lang thang
Đây là một trong những sáng tác miêu tả thực tế xã hội rất chân thực của Trịnh Công Sơn. Những sáng tác của ông luôn có giá trị lâu dài bởi nó chạm đến sâu thẳm cảm xúc của con người, giúp họ hiểu nỗi đau của mình, của đồng loại, của đất nước rằng đã có một thời như thế.